Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

HUN ĐÚC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC CHO HỌC SINH, SINH VIÊN HIỆN NAY

Hiện nay, một số học sinh, sinh viên ngại học lịch sử truyền thống của dân tộc, của Đất nước. Đòi hỏi, các cấp, các ngành tăng cường giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống dân tộc. Qua đây giới thiệu cho học sinh, sinh viên một số nét tiêu biểu về trường thống của dân tộc.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu những giá trị truyền thống nổi bật là “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”. Có thể khái quát một số giá trị truyền thống tiêu biểu sau: 
Thứ nhất, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc.

Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của dân tộc ta từ xưa đến nay. Yêu nước biểu hiện ở khát vọng và hành động luôn đặt lợi ích của tổ quốc, của quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết; là tình yêu quê hương, đất nước và con người, niềm tự hào về Tổ quốc mình, ra sức chăm lo xây dựng quê hương, đất nước, quyết hy sinh để đập tan ách đô hộ và kẻ thù xâm lược; là ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc, tự chủ, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lòng yêu nước của dân tộc ta được hình thành từ rất sớm và có nguồn gốc sâu xa từ ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc. Từ những tình cảm bình dị và gần gũi đối với những người ruột thịt, dần dần phát triển thành tình cảm gắn bó với làng xóm, quê hương và cao hơn hết là lòng yêu nước, tự tôn dân tộc. Lòng yêu nước của dân tộc ta không chỉ là tình cảm mà còn trở thành triết lý sống và phương châm ứng xử, chỉ dẫn hành động, khẳng định các giá trị, mà điều quan trọng hơn nó còn là cội nguồn, cơ sở của các giá trị truyền thống khác.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường, lòng tự hào dân tộc sâu sắc vẫn tồn tại một cách bền bỉ và tỏa sáng rạng rỡ, làm nên cốt cách dân tộc Việt Nam; đồng thời, được thử thách và khẳng định, được bổ sung, phát triển qua từng thời kỳ theo yêu cầu phát triển của dân tộc và thời đại, trở thành một trong những giá trị cao quý và bền vững nhất của dân tộc ta. Đó là nguồn sức mạnh vô địch giúp cho dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thiên tai, địch hoạ, vững vàng tiến lên phía trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1].
Trong điều kiện mới hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chủ trương “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước” [2] để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc.
Trong hoàn cảnh phải thường xuyên chống chọi với thiên tai, với giặc ngoại xâm có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần mà truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng được hình thành, củng cố và phát triển. Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng là nguồn sức mạnh to lớn để dân tộc ta đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm. Lịch sử dân tộc đã chứng minh rằng, khi nào dân tộc ta trên dưới đoàn kết một lòng thì dù kẻ thù có hùng mạnh đến đâu, chúng ta cũng đánh thắng; ngược lại, khi nào chúng ta không thực hiện được đoàn kết toàn dân, trong nội bộ có sự chia rẽ thì sức mạnh bị suy yếu, độc lập dân tộc bị đe dọa. Thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ XV là một minh chứng. Những trang sử hào hùng và vẻ vang của nhà Trần chống quân Mông - Nguyên, của cả dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là minh chứng hùng hồn cho chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công.
Kế thừa truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh và động lực to lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [3].
Thứ ba, lòng nhân ái, khoan dung, khát vọng hòa bình, yêu hòa bình.
Nhân ái nghĩa là yêu thương con người. Lòng nhân ái được nảy nở và phát triển chính trong cuộc sống lam lũ, khó khăn hàng ngày của nhân dân ta. Thực tiễn cho thấy, hàng nghìn năm sống dưới ách thống trị của bọn phong kiến, thực dân với chính sách nô dịch, cướp bóc cùng với bão lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh… đã đè nặng lên cuộc sống, làm cho nhân dân ta vô cùng cực khổ. Họ cảm thấy thương mình, thương những người cùng cảnh ngộ với mình và trong lúc khó khăn, hoạn nạn ấy, chính tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau đã giúp họ vượt qua hoàn cảnh thực tại. Vì vậy, lòng yêu thương con người “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” từ lâu đã trở thành nếp nghĩ, cách ứng xử, triết lý sống của con người Việt Nam, chi phối mối quan hệ giữa người với người trong xã hội.
Lòng nhân ái của người Việt Nam thấm đượm trong các mối quan hệ từ gia đình, làng xóm đến cộng đồng xã hội. Trong gia đình, bố mẹ có trách nhiệm lo cho con cái khi còn nhỏ, con cái phải biết vâng lời, chăm sóc bố mẹ. Với anh chị em thì phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau: “Anh em như thể chân tay”, “Chị ngã, em nâng”… Trong quan hệ làng xóm: “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Với những người trong cùng một nước thì luôn lấy tình nghĩa để đối đãi: “Bầu ơi thương lấy bí cùng - Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng”...
Lòng nhân ái của dân tộc ta còn bao hàm cả lòng khoan dung, vị tha với những kẻ lầm đường lạc lối, biết lấy công chuộc tội, trở về với chính nghĩa, “mở đường hiếu sinh” với kẻ thù khi chúng đã bị thất bại. Lòng nhân ái của dân tộc ta còn là cơ sở của tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị với các dân tộc khác. Trong lịch sử, dân tộc ta bao giờ cũng giữ tình hoà hiếu với các dân tộc khác, cố gắng tránh xảy ra xung đột dẫn đến cảnh “máu chảy, đầu rơi”, tận dụng mọi cơ hội có thể có để giải quyết hoà bình mọi xung đột, cho dù nguyên nhân xuất phát từ phía kẻ thù bên ngoài.
Tiếp nối truyền thống đó, hiện nay Đảng và nhà nước ta tiếp tục “... thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” [4].
Bốn là, cần cù, lạc quan, khiêm tốn, giản dị, trung thực.
Là một nước nông nghiệp, trong điều kiện lao động với những phương tiện sản xuất thô sơ, thiên nhiên khắc nghiệt, hơn nữa các cuộc chiến tranh xâm lược và sự thống trị của các thế lực bên ngoài đã phá hoại nền kinh tế, làm cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân bị kéo lùi hàng thế kỷ. Trong điều kiện hoàn cảnh đó, truyền thống cần cù nảy nở, củng cố và phát triển. Cần cù vừa là điều kiện để đảm bảo nhu cầu sống của con người, vừa thể hiện ý thức trách nhiệm của người Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hình ảnh “Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng”, “Cày đồng đang buổi ban trưa”, hay “Tát nước đêm trăng”... đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Đó không chỉ là những hình ảnh đẹp, mà còn thể hiện đức tính cần cù, yêu lao động của nhân dân ta.
Mặc dù dân tộc ta luôn phải sống trong hoàn cảnh khó khăn vừa chống thiên tai, vừa chống địch hoạ, nhưng vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Chính sự lạc quan ấy đã giúp dân tộc ta vượt qua được những khó khăn, thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Dân tộc Việt Nam cũng luôn tự hào về đức tính khiêm tốn nhưng không hạ thấp mình; giản dị nên ghét thói xa hoa, cầu kỳ, phô trương hình thức; trung thực nên ghét bỏ kẻ “lá mặt, lá trái”, “tiền, hậu bất nhất”.
 Năm là, dũng cảm, bất khuất.
Có thể khẳng định, dân tộc Việt Nam anh hùng trước hết vì trong mỗi con người Việt Nam đều có phẩm chất dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Lịch sử dân tộc Việt Nam ở thời kỳ nào cũng sáng ngời những tấm gương dũng cảm, anh hùng, bất khuất, làm cho các thế lực xâm lược phải run sợ, nể phục. Trần Bình Trọng - một danh tướng nhà Trần trong lúc anh dũng chiến đấu không may bị giặc Mông - Nguyên bắt, khi chúng dụ dỗ quy hàng, ông đã thét to: “Ta thà làm quỷ đất Nam còn hơn làm vương đất Bắc”; trước khi bị thực dân Pháp hành hình, Nguyễn Trung Trực còn khảng khái: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”; thời hiện đại, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Nguyễn Viết Xuân với tinh thần “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”... Chính vì sự dũng cảm, bất khuất ấy mà dân tộc ta mới có thể chiến thắng thiên tai và những kẻ thù lớn mạnh hơn nhiều lần.
Nhìn lại lịch sử dân tộc chúng ta thấy rằng, các giá trị truyền thống tốt đẹp đã thấm sâu vào máu thịt của con người Việt Nam qua các thế hệ và đó chính là sức mạnh Việt Nam suốt nhiều thế kỷ. Trong đó, điểm nổi bật chiếm vị trí hàng đầu và trở thành chuẩn mực đạo lý Việt Nam là tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng ta đã khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống này trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua. Ngày nay, những giá trị truyền thống đó vẫn đang được tiếp nối và phát triển, trở thành sức mạnh tiềm tàng, là nội lực vô tận cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
ĐOÀN KHẮC MẠNH




[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG, H. 2002, tr. 171.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 158-159.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 158.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 153.

1 nhận xét:

  1. Thế hệ trẻ là lớp người kế cận xây dựng và bảo vệ đất nước; do đó phải hun đúc truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ

    Trả lờiXóa