Trong tiến trình phát
triển lịch sử, Việt Nam nằm ở một trong những khu vực được coi là cái nôi của
loài người và là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm với nền
văn minh lúa nước, nơi đã từng trải qua các cuộc cách mạng đá mới và cách mạng
luyện kim. Trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội thời Đông Sơn, trước những
đòi hỏi của công cuộc trị thủy và chống xâm lăng, Nhà nước Văn Lang - Nhà nước
đầu tiên đã ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Bằng sức lao
động cần cù sáng tạo, cư dân Văn Lang, (sau đó là Âu Lạc) đã tạo dựng nên một
nền văn minh tỏa sáng khắp vùng Đông Nam Á. Đi cùng với Nhà nước đầu tiên của
lịch sử Việt Nam là một nền kinh tế phong phú, một nền văn hóa cao mà mọi người
biết đến với tên gọi là văn minh Sông Hồng (còn gọi là văn minh Đông Sơn) với
biểu tượng là trống đồng Đông Sơn - thể hiện sự kết tinh lối sống, truyền thống
và văn hóa của người Việt cổ.
Vừa dựng nước, người
Việt đã phải liên tiếp đương đầu với sự xâm lăng của các thế lực bên ngoài. Độ
dài thời gian và tần suất các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa và chiến tranh giải
phóng dân tộc ở Việt Nam
rất lớn. Kể từ cuộc kháng chiến chống Tần (thế kỷ III trước Công nguyên) đến
cuối thế kỷ XX, đã có tới 12 thế kỷ Việt Nam phải tiến hành hàng trăm cuộc
chiến tranh giữ nước, khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng. Một điều đã trở
thành quy luật của các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam là
phải “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”.
Từ thế kỷ thứ II trước
Công nguyên, Việt Nam
bị các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ (kéo dài hơn 1.000 năm).
Sự tồn vong của một dân tộc bị thử thách suốt hơn nghìn năm đã sản sinh ra tinh
thần bất khuất, kiên cường, bền bỉ đấu tranh bảo tồn cuộc sống, giữ gìn và phát
huy tinh hoa văn hóa, quyết giành lại độc lập cho dân tộc của người dân Việt
Nam.
Chiến thắng Bạch Đằng
năm 938 kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử
Việt Nam
- kỷ nguyên phát triển quốc gia phong kiến độc lập, thời kỳ xây dựng và bảo vệ
nền độc lập dân tộc. Dưới các triều Ngô (939-967), Đinh (968-980), Tiền Lê
(980-1009), Nhà nước trung ương tập quyền được thiết lập.
Sau đó, Việt Nam
bước vào thời kỳ phục hưng và phát triển (với quốc hiệu Đại Việt) dưới triều Lý
(1009-1226), Trần (1226-1400), Hồ (1400-1407), Lê Sơ (1428-1527). Đại Việt dưới
thời Lý - Trần - Lê Sơ được biết đến như một quốc gia thịnh vượng ở Châu Á.
Từ
thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam với tư tưởng nho giáo đã bộc lộ
sự lạc hậu và bắt đầu suy yếu. Trong khi nhiều quốc gia - dân tộc ở châu Âu
đang tiến hành cách mạng tư sản và dần chuyển sang chủ nghĩa tư bản thì Đại
Việt bị chìm trong nội chiến và chia cắt. Tuy trong các thế kỷ XVI - XVIII, nền
kinh tế, văn hóa có những bước phát triển nhất định, nhiều thành thị, thương
cảng ra đời đẩy nhanh quan hệ buôn bán trong và ngoài nước, nhưng do bị chia
cắt và nội chiến đã kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Bước sang đầu thế kỷ
XIX, các nước tư bản phương Tây đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, ráo
riết tìm kiếm thị trường, từng bước xâm chiếm thuộc địa. Người Pháp, thông qua
con đường truyền đạo, thương mại đã tiến hành thôn tính Việt Nam . Đây là lần đầu tiên dân tộc
Việt Nam
phải đương đầu với họa xâm lăng từ một nước công nghiệp phương Tây. Trong hoàn
cảnh này, một số chí sĩ Việt Nam như Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, Phạm
Phú Thứ, Trương Vĩnh Ký, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch... đã nhận thức được yêu
cầu bảo vệ độc lập phải gắn liền với cải cách, đưa đất nước thoát khỏi tình
trạng trì trệ của phương Đông. Họ đã đệ trình những đề nghị canh tân đất nước,
nhưng đều bị triều Nguyễn khước từ, đẩy đất nước vào tình trạng lạc hậu, bế tắc
và từ đó Việt Nam đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến trong gần 100
năm (1858-1945).
Sự ra đời của Đảng Cộng
sản Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1930 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt
Nam. Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là
Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa thành
công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Nước Việt Nam
non trẻ vừa ra đời lại phải tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước kéo dài suốt 30 năm sau đó. Cuộc kháng chiến 9 năm
(1945-1954) của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược trở lại của thực dân
Pháp, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa
cầu”, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ, cam kết tôn trọng độc lập, chủ
quyền của ba nước Đông Dương. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp đã tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành
độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày
2 tháng 7 năm 1976, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được đổi tên thành nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với lãnh thổ bao gồm cả hai miền Nam và Bắc. Năm 1977, Việt Nam
trở thành thành viên của Liên hợp quốc.
Trong khoảng 10 năm đầu
của thời kỳ sau chiến tranh (1975-1985), nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội không
thực hiện được do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đại hội lần thứ VI
của Đảng Cộng sản Việt Nam
(1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước với trọng tâm là đổi mới
kinh tế. Đây là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam
thời kỳ mới. Đường lối đổi mới tiếp tục được Đảng ta khẳng định, phát triển và
hoàn thiện qua các kỳ đại hội tiếp theo.
Qua 30 năm đổi mới, “đất
nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường
xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”[1]. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát
triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển.
Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã
hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay
đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết
toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà
nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của
đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối
ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên
trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan
trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới;
khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế
phát triển của lịch sử.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương
Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 65.
Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả đã chia sẻ
Trả lờiXóaViệt Nam đã đi rất đúng hướng
Trả lờiXóa